An Toàn Phòng Cháy Chữa Cháy Khi Sử Dụng Thiết Bị Điện Trong Những Ngày Thời Tiết Nồm, Ẩm
Đã có rất nhiều vụ hoả hoạn xảy ra, nguyên nhân đều xuất phát từ việc sử dụng thiết bị điện không đúng cách trong những ngày nồm, ẩm. Thời tiết nồm, ẩm gây phiền hà trong sinh hoạt, nhất là phơi phóng đồ đạc luôn ẩm ướt, hôi hám. Do đó, việc dùng máy sấy quần áo, máy hút ẩm là biện pháp đối phó tối ưu với thời tiết nồm, ẩm.
Cháy, nổ do sử dụng thiết bị điện sai cách
Tất cả thiết bị điện khi được sử dụng đúng cách sẽ an toàn, phát huy tác dụng của thiết bị, tuy nhiên khi sử dụng sai cách sẽ không phát huy tác dụng và có thể gây cháy, nổ.
Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp cháy nổ xảy ra do chính sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người sử dụng thiết bị điện gây ra, tuy nhiên vấn đề này đang phổ biến hiện nay. Qua các vụ cháy cho thấy, thực trạng người dân thiếu kiến thức về an toàn PCCC và không biết cách sử dụng thiết bị điện vẫn còn phổ biến.
Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, thị trường máy sấy quần áo loại rẻ tiền đang được người dân tìm mua. Đây là thiết bị không chuyên dụng, nhưng do nhà sản xuất “chế” với mô tơ quạt gió gắn sợi đốt nóng và tủ quây bằng khung sắt, vải bạt dùng vào việc sấy khô quần áo.
Với thiết bị này tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao, bởi quần áo móc phía trên và máy làm nóng để phía dưới theo kiểu “xông khói”. Do đó, chỉ một sơ suất trong thời gian sấy không để ý, rơi quần áo xuống máy có thể gây cháy thiết bị dẫn đến cháy nhà.
Cùng với nhu cầu sử dụng máy sấy quần áo là máy hút ẩm, lọc không khí đang được cho là giải pháp tối ưu trong những ngày thời tiết nồm ẩm của người dân.
Tuy nhiên, nhiều người dân đưa ra cảnh báo trên trang cá nhân của mình về việc máy hút ẩm chạy quá tải nên báo lỗi liên tục. Nguyên nhân do độ ẩm cao máy khiến khoang chứa nước nhanh đầy, nên máy báo đèn đỏ trong thời gian 1 đêm dẫn đến hư hỏng và chập cháy thiết bị...
(hình minh họa - Nguồn internet)
Hạn chế cháy, nổ bằng sự chủ động của người dân
Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội chỉ ra các sai lầm khi sử dụng thiết bị điện, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng ít người nhận ra. Đó là, không nên sấy quần áo khi còn đang đọng nước, với loại máy sấy bằng thiết bị sợi đốt, thổi hơi nóng từ dưới thốc lên.
Đối với các loại máy sấy chuyên dụng thì không sao, nhưng với các loại tủ sấy thì sẽ rất tại hại bởi quạt sấy được đặt ngay bên dưới giá treo quần áo. Khi nước nhỏ giọt xuống sẽ khiến quạt sấy rò rỉ điện ra bên ngoài và có thể khiến người chạm phải bị điện giật, hoặc gây chập điện...
Không nên sấy quần áo khi dính các vết dầu mỡ, keo bởi các chất này nếu còn dính trên quần áo thì khi sấy sẽ bị chảy ra, khiến quần áo loang lổ dầu mỡ, gây hỏng; thậm chí đây còn có thể là tác nhân gây cháy và nên kiểm tra kỹ quần áo trước khi cho vào máy sấy.
Tránh đặt máy sấy ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm, ban công nhà khi có mưa sẽ dễ khiến thiết bị này bị hỏng hóc, chập điện do nước ngấm vào. Đặc biệt, nếu điện bị rò rỉ theo nguồn nước, sẽ rất tai hại...
Cùng với việc sử dụng máy sấy an toàn, Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo an toàn phòng cháy tại gia đình những ngày nồm, ẩm là thường xuyên kiểm tra thiết bị điện như: bình nóng lạnh, tủ lạnh, bếp từ… Bởi vì, thời tiết ẩm thấp có thể làm ngưng tụ nước tại các bản mạch, thậm chí ẩm ướt lâu ngày có thể tạo giọt chảy vào các ổ điện gây giật, hoặc chập cháy bất cứ lúc nào.
Để đảm bảo an toàn, người dân nên kiểm tra thiết bị kỹ càng trước khi sử dụng, đặc biệt đối với bình nóng cần tắt công tắc điện sau đó mới tắm, tránh điện rò rỉ gây tai nạn và cháy, nổ.